[Nhà là nơi] Ngôi nhà thứ hai…
Tôi không chắc từ bây giờ cho đến lúc tôi chết đi, sẽ có bao nhiêu ngôi nhà nữa đang chờ, và cái nào mới thật sự là của tôi…
Ngôi nhà thứ hai, chẳng biết nó có đau buồn hay cười khà khà nhìn “bạn đồng nghiệp” đứng cùng nó trong cùng một mảnh đất, vừa được người ta dở bỏ. Năm đó tôi lên 7, nhà mới được xây lên cách ngôi nhà đầu tiên chỉ tầm 3 bước chân.
Mấy năm đó, giá tiêu rớt thảm hại, không may thay mẹ tôi trữ tiêu với giá rất cao. Vườn tiêu của ba tôi ở Bình Long cũng không thoát nổi cùng chung số phận, khiến cho kinh tế gia đình bỗng chốc trở nên khó khăn. Nhắm thấy không ổn, ba tôi bàn với mẹ về việc xây nhà mới, ba nói nếu lúc đó không xây, chắc cả đời sẽ không bao giờ có được một căn nhà cho đàng hoàng, tử tế.

Một mùa Tết cách đây vài năm
Rồi nó – ngôi nhà 1 tấm với 4 phòng ngủ được xây lên theo thiết kế của ba tôi, một người chẳng theo trường lớp nào về kiến trúc hay thẫm mỹ, góp nhặt ý tưởng từ nhiều những ngôi nhà ngoài thị xã mà thành. Tôi nhớ, mấy lần ba mẹ chở tôi đi khám bệnh, hoặc có dịp đi đâu đó, ba thường trầm trồ về những ngôi nhà đẹp ngoài phố, gom ý tưởng về xây nhà. Lúc bấy giờ, kiến trúc sư hay bản vẽ là những điều xa xỉ.
Tôi có được một căn phòng riêng hẳn hoi, tuy hơi bé hơn so với phòng của các chị, nhưng căn phòng có tận 3 cửa (1 cửa sổ, 1 cửa lớn hướng ra đường, 1 cửa ra vào), luôn ngập tràn nắng và cả gió. Ba mẹ tôi dồn hết tiền vào ngôi nhà này, thậm chí vay mượn thêm một khoản không nhỏ, vì vậy đến khi xây xong cũng không còn mấy tiền để trang hoàng hay sắm sửa. Ngôi nhà chỉ có những vật dụng cần thiết nhất.

Ba chặt dừa cho tôi
Tôi không còn nhớ quá rõ phiên bản của những năm đầu khi xây xong, chỉ nhớ nó gần như được bày trí theo kiểu có gì xài nấy, với một chiếc ván, một chiếc tủ búp phê, một bộ bàn ghế uống trà bằng gỗ gõ được chuyển sang từ nhà cũ. Duy chỉ có chiếc tivi là mua mới.
Sân nhà lát xi măng, với tầm chừng vài chục chậu cây kiểng đủ loại mà ai trong xóm đi ngang cũng phải trầm trồ (vì ba tôi từng kinh doanh cây kiểng mà).

Vườn nhà có đủ cả ỏi, đu đủ, khổ qua, đậu bắp, thơm….đôi khi ba mẹ tôi còn tỉa bắp nữa.
Tôi thích khoảnh sân nhỏ trước nhà, xung quanh lúc bấy giờ trống trẻo, thỉnh thoảng lại có vài bụi cỏ be bé mọc lớt thớt trên đất (kẻ thù của ba tôi), làm cầu nối cho lũ sâu rớm bò vào nhà. Bọn nó thậm chí khiến tôi stress đến mức nằm mơ thấy ác mộng khi một ngày phải cầm chổi tống tầm 3-5 con ra ngoài.

Tôi của năm học lớp 8 lớp 9 gì đấy (2 năm duy nhất mà tôi để tóc dài)
Mãi đến sau này, khi đã ổn định hơn, ba mẹ tôi xây thêm mái hiên xung quanh nhà, lát xi măng lên cả những khoảnh đất trống ấy, với niềm tin rằng nhà cửa sẽ sạch sẽ hơn trong mùa mưa. Sạch thì sạch, nhưng thú thật, tôi không thích mấy cái mái hiên này vì nó giành giật hết thảy những nắng mưa, sự bảo bọc quá trớn này khiến tôi đôi khi thấy ngột ngạt.
Phòng khách cũng được chăm bón thêm với một bộ bàn ghế và tủ thờ khá tinh xảo. Chiếc ván thì được mang ra ngoài, nằm chỏng chơ với đầy những bụi, ngay cả bộ bàn mà ba mẹ tôi từng rất tự hào nay cũng được thay bằng bộ bàn ghế chỉnh chu, rồi được mang ra hiên để ngồi uống cà phê mỗi sáng.
Mỗi khi về nhà vào cuối tuần, tôi thường ngồi ở nhà bếp ngóng phía sau nhà nhìn mẹ làm đồ ăn, đôi khi phụ mẹ lặt rau hay rửa chén, có khi lại ngồi trước nhà đọc sách, tự pha cho mình ly trà tắc rồi ngồi nhâm nhi, hay đơn giản chỉ là nằm ngó nghiêng xe cộ chạy tới lui không ngớt.

Một ngày chủ nhật ở nhà, tôi nhâm nhi ly nước dừa.
Phòng tôi, như đã nói là căn phòng duy nhất nằm ở mặt trước ngôi nhà, do vậy nó nhiều cửa đến nổi hồi tôi còn nhỏ, không ít lần sợ ma phải bật đèn sáng suốt đêm. Sau bao năm, phòng tôi cũng không thay đổi nhiều, duy chỉ có chiếc bàn học bé xíu của con bé 7 tuổi được thay bằng một chiếc bàn học to bằng gỗ ván ép, có kệ để sách, vẫn kê sát vào cửa sổ. Chiếc bàn đáng thương bị tôi trang trí đầy những ảnh cắt dán thần tượng, cả những câu tự cổ vũ mình nghe ngốc không chịu được, bảng điểm học tập, thời khóa biểu, mục tiêu tương lai… Tôi tự xây cho mình một đế chế riêng và cũng không thích ai vào phòng mình, kể cả mẹ tôi. Phòng không có gì ngoài chiếc nệm lò xo dưới đất được thả xuống để ngủ mỗi tối, và lại dựng lên gọn ghẽ vào mỗi sáng. Trên tường, tôi dán đầy những sao và trăng bằng các miếng dán dạ quang, để mỗi tối tắt đèn lại nằm thư thả vắt chân lên gối, thu mình vào thế giới riêng của cô bé tuổi mới lớn.

Một trong những lần cuối cùng tôi được nằm trong căn phòng nhỏ của cô bé 7 tuổi nọ.
Tôi đã trải qua vô số những cuộc cải vã, với gia đình, với bạn bè, với bản thân tôi trong căn phòng 15m2 ấy, nơi mỗi khi cánh cửa phòng đóng lại, tôi lại tắt đèn, vùi mặt vào gối khóc một mình, như một chiếc kén, mà tôi là một con ấu trùng cần tìm chỗ nắp. Rồi đến khi đủ ngày đủ tháng, tôi đẩy cửa bước ra ngoài, mạnh mẽ hơn, dù có đôi khi tôi cũng chẳng hiểu tại sao tôi phải chống lại thế giới của người khác, mà theo cách nào đó chúng ta lại không thể tôn trọng thế giới của nhau.
Và rồi…
Cũng như ngôi nhà đầu tiên, căn nhà này cũng bị dở bỏ sau gần 20 năm nuôi dưỡng sự trưởng thành của cả gia đình tôi (là cả ba mẹ, 3 chị em chứ không riêng gì tôi). Cả mảnh đất được thuê để xây trung tâm điện máy, và ba mẹ tôi sẽ xây một ngôi nhà nhỏ hơn ở cách đó không xa.

Ngôi nhà dần được tháo dở.

Mẹ tôi ngồi nhìn người ta đập và tháo từng chiếc cửa nhà.
Gần 20 năm, tôi mới lại chứng kiến cảnh nhà mình bị người ta phá dở, lần này hẳn hoi với xe cẩu và xe ủi công suất lớn. Tôi đứng xa xa, chỗ cạnh hàng rào nhìn vào, đeo khẩu trang để che đi sự ủy mị, tiếc nuối cho những kỷ niệm sắp đổ, cho thế giới nhỏ bé sắp bị xé toang, phơi bày trước giông gió và một cuộc đời lớn hơn.
-Sunshine.
Bangkok – 23/09/2019.